Một số đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay

Bài viết khái quát chính sách thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, cũng như phân tích thực trạng phát triển của lĩnh vực này, từ đó, đưa ra một số giải pháp cho Việt Nam trong quản lý cũng như phát triển TMĐT trong bối cảnh bùng nổ của thời đại Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hiện nay.

 

Giới thiệu

Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, thậm chí gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Mức tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tổng doanh thu kinh tế internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia.

Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore. TMĐT đã tạo ra hàng tỷ USD cho hoạt động kinh tế của Việt Nam. Những lợi ích và đóng góp của TMĐT đối với sự phát triển của các nền kinh tế trong đó có Việt Nam là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, hoạt động TMĐT cũng đang đặt ra bài toán mà cơ quan quản lý gặp phải là việc kiểm soát hàng hóa, bao gồm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, chống thất thu thuế… là điều không hề dễ dàng đối với nước ta.

Thực trạng phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay

Chính sách thúc đẩy TMĐT phát triển

Để thúc đẩy TMĐT phát triển, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Điển hình là Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025, đưa TMĐT trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% DN tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 1.000.000 lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT…

Để phát triển thị trường TMĐT lành mạnh, mới đây nhất, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP, ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2022/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý thuế về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.

Theo đó, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP bổ sung Khoản 8 Điều 27: Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm: Tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Xây dựng giải pháp, lộ trình cung cấp thông tin theo hình thức điện tử từ các sàn giao dịch TMĐT đến cơ quan thuế nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế theo rủi ro, đảm bảo yêu cầu về bảo mật thông tin theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch TMĐT...

Đặc biệt, nhằm bảo đảm hoạt động TMĐT được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Đề án trên được Chính phủ phê duyệt kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và DN nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.

Kết quả đạt được

Theo báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2022 của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022, trong đó, 14 tỷ USD là từ lĩnh vực TMĐT. Dự báo kinh tế internet Việt Nam đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó TMĐT chiếm tới 32 tỷ USD. Đặc biệt, hàng Việt Nam đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới.

Trong những năm gần đây, TMĐT Việt Nam phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành, thúc đẩy trong đại dịch COVID-19 vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. TMĐT trở thành đầu tàu trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.

Theo Sách trắng TMĐT năm 2022, quy mô thị trường bán lẻ TMĐT của Việt Nam tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Ước tính có khoảng 57 - 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 - 285 USD.

Cũng theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022, với 75% người dân sử dụng internet, Việt Nam có 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).

Trong báo cáo e-Conomy 2022 của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục 120 - 200 tỷ USD vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Báo cáo thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á “Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9/2022 cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên TMĐT; 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn TMĐT; 50% các đơn hàng trên TMĐT ở Việt Nam được mua mà không có dự tính.

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, sự phát triển TMĐT của Việt Nam cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức như sau:

Một là, sàn giao dịch TMĐT nước ngoài đang chi phối thị trường Việt Nam. Hiện nay, các sàn TMĐT thuần Việt phải cạnh tranh với Facebook, Viber, Zalo, Tiktok… từ nước ngoài với tiềm lực to lớn. Nhiều tên tuổi TMĐT lớn của Việt Nam đã “chết yểu” trong vòng 10 năm sau khi ra đời. Chẳng hạn, giai đoạn 2001-2010, những tên tuổi lớn xuất hiện rồi biến mất gồm: VDC Siêu thị, Chợ điện tử, GoPhatdat, VnEmart…; giai đoạn 2011-2020: 123Mua, Muachung, Nhommua, Vatgia, Deca, FoodPanda, Zaloza, Adayroi… ra đời rồi cũng biến mất. Trong giai đoạn 2021-2025, dự báo sẽ còn một số sàn TMĐT nữa của Việt Nam sẽ biến mất.

Đáng chú ý, một số DN xuất phát điểm là DN Việt Nam, nhưng khi thành công, thì được nước ngoài mua lại hoặc do pháp nhân nước ngoài nắm cổ phần chi phối. Điển hình như sàn Tiki vốn là một sàn bản địa Việt Nam, đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã chiếm gần 55% và đến năm 2021, sàn này chuyển 90,5% cổ phần cho pháp nhân Tiki Global của Singapore. Như vậy, Tiki đã trở thành DN Singapore. Tương tự, sàn Sendo xuất phát điểm là DN Việt Nam, nhưng đến cuối năm 2020, thì vốn ngoại tại sàn này đã lên tới hơn 65% (Hoàng Linh, 2022).

Sự chi phối của sàn giao dịch TMĐT nước ngoài còn được thể hiện ở sở thích của người tiêu dùng: Khoảng 51% người Việt Nam coi Shopee (công ty con của Tập đoàn Sea Limited Singapore) là nền tảng mua sắm yêu thích, Lazada (có 51% cổ phần của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc)) đứng thứ hai (18%), tiếp theo là Facebook (8%), Tiki (7%). Hơn nữa, hơn 70% người dùng trẻ tuổi (17-25 tuổi) cũng coi Shopee là sàn giao dịch TMĐT tốt nhất (Lê Nam, 2021).

Hai là, nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng. Với tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường TMĐT lớn, các sàn TMĐT có sở hữu nước ngoài không những có doanh thu lớn tại thị trường Việt Nam, mà còn nắm giữ một lượng lớn dữ liệu của người Việt Nam, từ các trường thông tin cơ bản, như: tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ đến các thông tin về hành vi mua sắm, sở thích, thói quen và mức sống của người dân Việt Nam. Đây chính là nguy cơ rất lớn về an toàn, an ninh mạng, thậm chí thách thức chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Ba là, thiếu sự quản lý với các nền tảng xuyên biên giới. Không chỉ riêng các sàn TMĐT, các nền tảng mạng xã hội phổ biến, như: Facebook, Google, Netflix, Youtube, Amazon, TikTok… cũng dần lấn sân sang các hoạt động TMĐT và giao dịch trực tuyến. Các nền tảng này cho phép hiển thị các quảng cáo mua - bán hàng hóa, sản phẩm, có thể thực hiện mua - bán qua liên kết với các sàn TMĐT, hoặc tích hợp trực tiếp việc đăng tải mua - bán sản phẩm trên các nền tảng này. Việc các nền tảng xuyên biên giới thiếu tuân thủ pháp luật Việt Nam vẫn đang là vấn đề lớn đặt ra về việc kiểm soát nội dung thông tin, nộp thuế và các nghĩa vụ khác.

Bốn là, TMĐT còn bộc lộ một số bất cập trong quá trình phát triển do phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý. Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong khoảng 3 năm (2020-2022) trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng liên quan đến các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. Nhưng đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", khi mỗi ngày có tới 5-6 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động TMĐT (Minh Dũng, 2023).

Một khảo sát trong Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố đã chỉ ra, có tới 68% người tiêu dùng được hỏi cho biết, trở ngại lớn nhất khi mua hàng trực tuyến vì lo "chất lượng kém so quảng cáo", 52% cho biết, "lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ"…

Hoạt động TMĐT hiện nay đang còn nhiều lỗ hổng là bởi loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn chưa tương thích và chưa được điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Đề xuất giải pháp

Về phía Nhà nước

Thứ nhất, xây dựng các nền tảng TMĐT và đơn giản hóa quy trình đăng ký vốn, giảm các rào cản và đơn giản hóa thủ tục phê duyệt trong TMĐT để thúc đẩy các cá nhân và tổ chức tham gia TMĐT.

Thứ hai, tăng cường các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống logistics thông minh hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển TMĐT trong nông nghiệp, nhất là thành lập chuỗi logistics nông nghiệp.

Thứ ba, cần xây dựng một cách hiệu quả và chặt chẽ các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo mật thông tin và các DN TMĐT phải tuân thủ những quy định và tiêu chuẩn này. Xây dựng hệ thống quản lý bảo mật giao dịch TMĐT để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch TMĐT. Xây dựng cơ chế quản lý hợp đồng điện tử chuẩn hóa để cải thiện tính bảo mật của dữ liệu. Cần thành lập một cơ quan quản lý giám sát rủi ro đa ngành bao gồm nhiều cơ quan quản lý các lĩnh vực khác nhau của chính phủ và theo vùng; cơ quan này có thể tiến hành kiểm tra trực tuyến.

Thứ tư, hoàn thiện và tăng cường các chính sách quản lý TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt là thực hiện tích hợp các quy trình TMĐT xuyên biên giới về thông quan, kiểm tra và kiểm dịch, thanh toán, nộp thuế và các quy trình khác, giúp đơn giản đáng kể quy trình thông quan và nâng cao hiệu quả thông quan. Đồng thời, xây dựng các chính sách thuế xuất nhập khẩu hàng hóa TMĐT phù hợp trên nguyên tắc kích thích tiêu dùng nội địa, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển và tăng cường quản lý thuế xuất nhập khẩu.

Thứ năm, để tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường không gian mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Đặc biệt, cơ quan quản lý thị trường cần phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn…

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý để chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, công cụ thanh toán, sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng thuộc các bộ, ngành sẽ giúp công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng được hiệu quả hơn.

Đặc biệt, cơ quan quản lý thị trường cần tích cực trao đổi với các hiệp hội, cơ quan báo chí về thông tin xử lý và ngăn chặn những vi phạm, mục tiêu tạo môi trường lành mạnh cho DN chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về phía các DN kinh doanh TMĐT

- Nâng cao ý thức tự bảo vệ chính DN của mình, tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm để phản ánh, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

- Chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền, có các chương trình giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín, chất lượng, bảo đảm an toàn. Đặc biệt, phải xây dựng, phát huy văn hóa kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Tài liệu tham khảo:

1. Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) (2023), Sách trắng TMĐT năm 2022.

2. Google, Temasek và Bain & Company (2022), Báo cáo e-Conomy 2022.

3. Hoàng Linh (2022), Thách thức, nguy cơ trong phát triển TMĐT của Việt Nam và đề xuất, truy cập từ https://ictvietnam.vn/thach-thuc-nguy-co-trong-phat-trien-tmdt-cua-viet-nam-va-de-xuat-20889.html.

4. Lazada (2022), Báo cáo thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á “Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng”, tháng 9/2022.

5. Lê Nam (2021), Sàn TMĐT Việt có đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài?, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/san-thuong-mai-dien-tu-viet-co-du-suc-canh-tranh-voi-cac-cong-ty-nuoc-ngoai.html.

6. Minh Dũng (2023), Kiểm soát chặt hoạt động TMĐT, truy cập từ https://nhandan.vn/kiem-soat-chat-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-post751940.html.

7. Ngân hàng Thế giới (2022), Báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2022.

8. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025.

9. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.